Nhân một trường hợp nhiễm sán lá phổi

 

NHÂN MỘT TRƯỜNG HỢP NHIỄM SÁN LÁ PHỔI 
PHÁT HIỆN ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ Ở BỆNH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y DƯỢC HUẾ
 
Trương Quang Ánh, Phạm Văn Lình, Lê Trọng Khoan, Nguyễn Võ Hinh, Tôn Nữ Phương Anh
 
Tóm tắt
Bệnh sán lá phổi là bệnh hiếm gặp tại khu vực miền Trung; ở Thừa Thiên Huế chưa có công trình nghiên cứu nào về dịch tễ, lâm sàng và điều trị về bệnh này. Nhân một trường hợp phát hiện bệnh ở một bệnh nhân nữ, người Lào, tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, chúng tôi thông báo về chẩn đoán dựa trên lâm sàng, sinh học, chẩn đoán hình ảnh và ký sinh trùng và điều trị có kết quả với Praziquantel.
Summary
Case report on the paragonimus westermani infection: Detectio, effecally treatment at hue university hospital
Paragonimus westermani infection in the center region of Vietnam is a uncommon pathology. Just now, we’re not found any report on epidemiology, clinic and treatment of this pathology at Thua Thien Hue province. Our patient, Laotian, female, hospitalised at Hue university hosptal. We want to share the information on clinicalsigns, microbiology, chest imaging (X ray and CT) and Praziquantel treatment with good results.
1. Tổng quan
Bệnh sán lá phổi do loài sán lá thuộc giống Paragonimus gây nên. Trên thế giới có khoảng 40 loài sán lá phổi, trong đó trên 10 loài gây bệnh cho người. Ở Việt Nam chủ yếu do loài Paragonimus (Nguyễn Văn Đề, Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – côn trùng). Bệnh thường gặp rải rác ở các vùng miền núi: Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn; với tỉ lệ thấp 0,3 – 2,1% trong dân chúng. Lần đầu tiên phát hiện nhiễm sán lá phổi tại phổi ở Huế cũng như ở khu vực miền Trung nên chúng tôi đã tìm hiểu về dịch tễ lâm sàng, cận lâm sàng và điều trị bệnh lý này.
Chu trình phát triển của sán lá phổi: Sán trưởng thành ký sinh và đẻ trứng trong các phế nang của phổi. Trứng theo đàm giải xuống họng, rồi vào đường tiêu hóa khi bệnh nhân nuốt, sau đó được đào thải theo phân ra ngoài. Trong môi trường nước trứng nở thành ấu trùng, phát triển thành ấu trùng lông. Ấu trùng chui vào ốc Bulimus phát triển thành ấu trùng đuôi. Ấu trùng đuôi rời ốc sống tự do trong nước sau đó xâm nhập vào loài giáp xác như tôm, cua đồng; cư ngụ trong thịt cơ của loài giáp xác tạo thành nang trùng, là mầm bệnh gây nhiễm. Nếu người hoặc động vật ăn phải loài giáp xác bị nhiễm sán lá phổi,chưa được nấu chín như các món cua nước, tôm nướng, mắm cua đồng, uống nước của giả sống để giải nhiệt, sẽ bị nhiễm bệnh.
Trong cơ thể người, ấu trùng theo đường tiêu hóa xuống dạ dày, đến ruột; rồi xuyên thành ruột vào ổ bụng. Sau đó ấu trùng xuyên qua cơ hoành vào phổi, cư ngụ ở các phế nang gây bệnh cho ký chủ. Ngoài phổi, ấu trùng có thể ký sinh ở màng phổi, phúc mạc, gan, não. Có thể gây thương tổn hoại tử, với các triệu chứng lâm sàng như ổ áp xe. Bệnh xảy ra ở người, không tự khỏi nếu không được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu. Sán lá phổi có tuổi thọ trung bình 10 – 15 năm.
2. Giới thiệu bệnh án
Bệnh nhân Trần Thị S, 25 tuổi; nghề nghiệp buôn bán; nơi ở: Huyện Sêlen, tỉnh Chămpasăc, Lào.
Vào Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế ngày 21/9/2007; lý do vào viện: Ho ra máu màu đỏ thẩm.
Bệnh sử: Trước khi nhập viện 5 tháng, bệnh nhân khạc ra máu đột ngột, máu bầm tím; ngoài ra người mệt mỏi, sốt nhẹ, đau tức ngực trái. Bệnh nhân có điều trị tại Bệnh viện ở Thái Lan 2 đợt; chưa tìm ra nguyên nhân, điều trị không kết quả, bệnh không thuyên giảm.
Bệnh nhân thường ăn mắn cua, mắm cáy, uống nước khe suối.
Khám bệnh nhân: Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Không sốt, mạch và huyết áp bình thường gầy, da niêm mạc bình thường, không sờ thấy hạch ngoại vi. Phản xạ gân xương bình thường.
Lồng ngực cân đối, ấn dau khoảng liên sườn 4-5 bên trái, thỉnh thoảng khạc ra máu đỏ thẩm. Đáy phổi trái rì rào phế nang giảm, rung thanh giảm, gõ đục.
Công thức máu bình thường. HIV âm tính.
Hình ảnh Xquang có tràn dịch màng phổi trái và đám mờ phế bào đáy phổi phải.
Dịch màng phổi trái: đặc quánh, màu cà phê sữa, bạch cầu đa nhân trung tính +++, Rivalta +; không thấy vi khuẩn. Soi tươi dưới kính hiển vi 10x40 có trứng sán lá phổi +++.
Siêu âm bụng: dịch màng phổi trái, dịch có hồi âm; dày dính màng phổi.
Chụp cắt lớp vi tính phổi: Chụp các lớp cắt 10x10mm, từ đỉnh phổi đến bờ dưới gan, trước sau tiêm thuốc cản quang tĩnh mạch 1,5ml/1kg cân nặng cơ thể, thuốc cản quang Ultravist 300mg Iode. Đám mờ phế bào thủy giữa phổi phải; 1 ổ tràn dịch màng phổi trái khu trú, kích thước 4x8x9cm, tỉ trọng dịch 22HU; màng phổi không dày, không có nốt. Không thấy hạch trung thất lớn.
Chẩn đoán: các dấu hiệu lâm sàng cận lâm sàng cho phép chẩn đoán nhiễm sán lá phổi.
Điều trị: Praziquantel viên 600mg, uống3 viên/ngày, trong 5ngày
                 Prednisolon, pharmaton, vitamine C
Điều trị nhắc lại liệu trình trên sau 10 ngày
Sau hai đợt điều trị thể trạng bệnh nhân tốt, lên cân, ăn ngủ được, sinh hoạt bình thường, hết ho ra máu, hết đau ngực; phim Xquang hai trường phổi sáng bình thường; không tìm thấy ký sinh trùng trong đàm và phân.
3. Bàn luận
Bệnh nhiễm sán lá phổi có biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng có thể nhầm với nhiều bệnh lý khác như nấm phổi, lao phổi… điều trị không kết quả, ảnh hưởng đến sức khỏe và tốn kém kinh tế của người bệnh.
Đây là bệnh ít gặp, nên các Thầy thuốc không nghĩ đến.
Nhân trường hợp đầu tiên ở Huế phát hiện sán lá phổi, chúng tôi tìm hiểu bệnh lý này, nhằm cung cấp các thông tin cho các cơ sở y tế về dịch tể, lâm sàng, cận lâm sàng, nhằm lưu ý phát hiện sớm, chính xác và điều trị đặc hiệu, mang lại kết quả tốt.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Khánh Thuận, Nguyễn Văn Đề (2004), “Sán lá gan”, NXB Y học
2. Nguyễn Văn Đề (2005), “Sán lá phổi”, NXB Y học
3. Viện sinh học phân tử (2003), “Tài liệu tập huấn các loại sán dẹt ký sinh ở người”
4. Bộ môn ký sinh trùng, ĐH Y Hà Nội (2003), “Ký sinh trùng y học”
5. Bộ môn ký sinh trùng, ĐH Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (2003), “Ký sinh trùng y học”.
6. M. Gentilini (1993), “Medicine troơical”.
7. Th. Nabakumar Singh, et al (2004), “Pulmonary paragonimiasis, Indian J Chest Dis Allied Sci”.