Nghiên cứu áp lực động mạch phổi bằng siêu âm doppler tim ở những bệnh nhân bị bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính

Đặt vấn đề: Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (BPTNMT-Chronic Obstructive Pulmonary Disease) là bệnh hô hấp càng ngày càng trở nên thường gặp, nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ năm ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Tỉ lệ lưu hành của bệnh là 9.34/1000 ở nam, 7.33/1000 ở nữ theo Viện Tim Mạch, Hô Hấp, Huyết Học Hoa Kỳ và Tổ Chức Y Tế Thế Giới (National Heart Lung Blood Institute / WHO - GOLD 2001). Nguyên nhân hàng đầu của BPTNMT là hút thuốc lá, theo thống kê của ngân hàng thế giới có khoảng 1.1 tỉ người hút thuốc lá và dự kiến sẽ đạt đến 1.6 tỉ vào 2025. Biến chứng của BPTNMT thường là tâm phế mạn (TPM) mà khởi đầu là tăng áp phổi (TAP) tiến triển thường khó nhận biết trên lâm sàng và các xét nghiệm thông thường ngay cả đối với siêu âm Doppler tim nhất là giai đoạn sớm.

Mục đích: Phối hợp các thông số siêu âm Doppler tim nhằm xác định TAP. Tìm mối tương quan giữa áp lực tâm thu động mạch phổi đo bằng Doppler liên tục (sPAPDop) với các thông số siêu âm Doppler xung.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu: 40 bệnh nhân, 23 nam, 17 nữ được chẩn đoán xác định là BPTNMT dựa vào đo chức năng thông khí phổi theo tiêu chuẩn của GOLD 2001 và 30 người chứng cùng độ tuổi, không hút thuốc, huyết áp £140/85mmHg, không bị bệnh tim mạch, hô hấp, điện tâm đồ 12 chuyển đạo bình thường, siêu âm Doppler tim bình thường. Các thông số siêu âm Doppler cần thăm dò: Thời gian giãn đồng thể tích thất phải (TGGĐTTTP-Right ventricular relaxation time interval-RVRTI), chỉ số siêu âm Doppler (Doppler echocardiographic index - CSSAD), áp lực tâm thu động mạch phổi được đo bằng Doppler liên tục, thời gian tăng tốc (pulmonary accelation time) của dòng tống máu thất phải (right ventricular outflow tract) được đo trước và sau nghiệm pháp nâng chân thụ động (NPNCTĐ - passive leg raising test) và tỉ TGTT / thời gian tống máu thất phải (TGTMTP). Số liệu được xử lý với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS 10.0 for Windows. Kết quả: Có sự khác nhau giữa nhóm BPTNMT có TAP, không TAP và nhóm chứng (p<0.03-0.001) ngoại trừ TGGĐTTTP, sự khác biệt càng rõ nét đối với nhóm TAP và nhóm chưa TAP (p<0.001). Tỉ lệ đo được TAP bằng Doppler liên tục (continuous Doppler wave) là 75% (sPAPDop>35mmHg), ngoài ra sự phối hợp thời gian tăng tốc sau NPNCTĐ, chúng tôi đã phát hiện thêm một trường hợp TAP tiềm tàng. Có mối quan hệ giữa sPAPDop đo bằng Doppler liên tục với một số thông số siêu âm Doppler xung (pulsed Doppler).

Kết luận: Sự phối hợp các thông số siêu âm Doppler tim không những cho phép đánh giá suy chức năng tâm trương thất phải mà còn cho phép đánh giá một cách khách quan hơn TAP và phát hiện TAP tiềm tàng ở những bệnh nhân BPTNMT. Có mối liên hệ giữa các thông số siêu âm Doppler xung và Doppler liên tục, làm tăng tính kh thi của siêu âm Doppler tim trong xác định tăng áp phổi.