Tìm hiểu các bệnh lây qua đường tình dục

Bệnh giang mai

Do xoắn khuẩn gây nên. Bệnh tiến triển qua nhiều thời kỳ, tồn tại trong nhiều năm, để lại nhiều di chứng, đặc biệt ảnh hưởng đến thế hệ sau.

Dấu hiệu đầu tiên của bệnh là một nốt loét gọi là “săng” giang mai, xuất hiệu sau khi quan hệ tình dục 10 đến 90 ngày với một người mắc bệnh giang mai. “Săng” giống như một cái mụn hoặc một vết loét mờ, bờ của nốt loét nhẵn nhụi và có cảm giác chắc như sụn, xuất hiện ở vùng sinh dục, đôi khi ở miệng, môi, ở ngón tay hoặc ở hậu môn. Vết loét này mang đầy mầm bệnh, rất dễ lây truyền sang người khác. Vết loét thường không đau và nếu ở trong âm đạo thì bệnh nhân có thể không thấy nhưng vẫn gây nhiễm bệnh cho người khác khi quan hệ tình dục. Vết loét chỉ kéo dài vài ngày hoặc vài tuần sau đó tự mất đi nhưng vẫn tiếp tục lan ra toàn thân. Sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng có thể xuất hiện triệu chứng toàn thân như đau bụng, sốt nhẹ hoặc loét ở miệng, sưng khớp hoặc có các triệu chứng dưới đây xuất hiện ở da:

- Rát hoặc mụn khắp cơ thể.
- Vết ban nổi hình tròn hoặc bầu dục.
- Rát ở gan bàn tay hoặc gan bàn chân.

Trong giai đoạn này bệnh rất dễ lây truyền chỉ bằng tiếp xúc đơn giản như hôn, sờ vì mầm bệnh có ở da. Tất cả những triệu chứng này sẽ tự mất đi và sau đó người bệnh có thể cho rằng bệnh đã đỡ, nhưng thực chất bệnh vẫn tiếp tục phát triển. Nếu không được điều trị thích hợp, giang mai có thể xâm lấn bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, gây nên nhiều bệnh cảnh như bệnh tim, liệt cơ thể, rối loạn tâm thần và dẫn đến tử vong. Nguy hiểm hơn, phụ nữ mang thai mắc bệnh giang mai có thể truyền giang mai cho thai nhi. Giang mai có thể gây ra dị tật bẩm sinh, hoặc thai chết lưu hoặc đẻ non.

Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm như trên, khi phát hiện có một vết loét ở bộ phận sinh dục cần thiết phải thử máu xem có phải bị mắc bệnh giang mai không để điều trị sớm. Các thuốc kháng sinh như penixilin, doxicyclin, tetracyclin, erythromycin... hiện vẫn có tác dụng, liều lượng theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa da liễu.

Lậu và chlamydia

Là hai bệnh tương tự nhau nhưng chlamydia nặng hơn và lậu thường bắt đầu sớm hơn. Một người có thể cùng một lúc mắc lậu và chlamydia nên trong điều trị tốt nhất là điều trị cả hai. Bệnh lậu do cầu khuẩn gây nên. Bệnh nhân sau khi quan hệ tình dục với người bị bệnh có các triệu chứng đái rắt, đái buốt, đái ra mủ, mỗi khi đi tiểu rất đau, người bệnh mệt mỏi hoảng hốt. Ở nam giới mắc bệnh lậu, các dấu hiệu thường xuất hiện sau khi giao hợp từ 2 đến 5 ngày, nhưng cũng có nam giới mắc bệnh có thể không có dấu hiệu.

Ở nữ giới, các dấu hiệu mắc lậu và chlamydia có thể bắt đầu sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Thậm chí có khi lại không có bất kỳ dấu hiệu nào mà vẫn có thể truyền lậu và chlamydia cho một người khác khi quan hệ tình dục.

Những dấu hiệu nhận biết ở phụ nữ: Âm đạo hoặc hậu môn có nhiều dịch vàng hoặc xanh lá cây, đau hoặc buốt khi đi tiểu, đau bụng dưới, sốt, đau hoặc chảy máu trong khi giao hợp, hoặc không có một tý dấu hiệu nào.

Lậu và chlamydia đều là những bệnh nghiêm trọng nhưng dễ điều trị nếu được chữa sớm. Ngược lại nếu không điều trị sớm sẽ có thể gây nhiễm khuẩn nặng và dẫn đến biến chứng như viêm mào tinh hoàn, viêm tuyến tiền liệt... gây vô sinh ở nam; viêm buồng trứng, vòi trứng gây tắc và vô sinh ở nữ.

Điều cần chú ý là cần điều trị cả hai người (vợ, chồng hoặc bạn tình) càng sớm càng tốt. Khi biết bạn tình bị lậu hoặc chlamydia, hoặc nhận thấy ở người nam giới có chút dịch thải hoặc một giọt mủ ở dương vật, thì cả hai đều cần phải điều trị. Hiện nay có nhiều loại kháng sinh điều trị hiệu quả hai bệnh này, tuy nhiên cần được bác sĩ da liễu khám và chỉ định liều dùng thích hợp. Trong cả quá trình điều trị nên ngừng giao hợp hoặc sử dụng bao cao su mỗi lần giao hợp. Đặc biệt chú ý một số loại thuốc không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.